Ông Phạm Văn Dũng - Tổng Giám đốc Ford Việt Nam - cho biết mẫu xe Ford Ranger lắp ráp trong nước không có bất kỳ thay đổi nào so với các phiên bản nhập khẩu Thái Lan trước đây.
Toàn bộ linh kiện lắp ráp đều nhập khẩu, vì thế Ford Ranger vẫn như một mẫu xe nhập nhưng lắp ở Việt Nam thay vì Thái Lan như nhiều năm trước đây. Phần nội địa hóa mới chỉ có công lắp ráp.
Hãng xe này cũng vừa xuất xưởng lô Ranger lắp ráp tại nhà máy ở Hải Dương ngày vào 15-7, trong đó có 7 phiên bản với 2 tuỳ chọn động cơ cùng mức giá xe ô tô bán lẻ từ 616 - 925 triệu đồng/chiếc.
Tại thị trường Việt Nam, các mẫu xe bán tải như Toyota Hilux, Mazda BT-50, Mitsubishi Triton,, Nissan Navara... cạnh tranh khốc liệt.
Trong xu hướng gần đây chuyển dịch kinh doanh từ nhập khẩu sang lắp ráp để chủ động hơn về nguồn cung, Ford Ranger là cái tên đầu tiên trong phân khúc. Những mẫu xe đối thủ còn lại hiện đều nhập khẩu Thái Lan.
Ranger xuất hiện tại Việt Nam vào 2001 cũng ở dạng lắp ráp, sau đó chuyển sang nhập khẩu từ 2009 tới nay.
Theo tổng giám đốc Ford Việt Nam, để đưa Ranger trở lại lắp ráp trong nước, doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng và nâng cấp nhà máy tại Hải Dương với số vốn 2.000 tỉ đồng. Với công suất được nâng từ 14.000 xe lên 40.000 xe/năm, dự án mở rộng nhà máy giúp đảm bảo nguồn cung, thời gian cung ứng sản phẩm cũng như tối ưu hoá các chi phí logistic.
Theo giám đốc một doanh nghiệp sản xuất ôtô, khi nhiều hiệp định thương mại được ký kết cùng với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước là một trong những nguyên nhân chính khiến các hãng xe quyết định đưa nhiều mẫu về Việt Nam lắp ráp.
Do đó, một năm trở lại đây nhiều mẫu ô tô từng "dứt áo ra đi" để nhập khẩu đã quay trở lại lắp ráp như Toyota Fortuner, Mitsubishi Xpander, Honda CR-V...
Mới đây, ông Toshiyuki Takahara, tổng giám đốc Việt Nam Suzuki, cho biết thị phần ô tô của hãng đang có chiều hướng tăng lên, nên hãng đang xem xét khả năng lắp ráp xe hơi du lịch tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo CÔNG TRUNG (Tuổi Trẻ)